Thành lập đúng lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, cũng là khi lĩnh vực số hóa, thương mại điện tử phát triển đột phá, cùng với đó là các vụ tấn công, đánh sập website, lừa đảo trên không gian mạng nở rộ…, CyberJutsu được cộng đồng đón nhận một cách tích cực. Học viên tìm kiếm và tham gia các khóa đào tạo của công ty này ngày càng đông.
Bỏ Microsoft về mở công ty đào tạo
Từ nửa đầu năm 2020, Công ty CP CyberJutsu (CyberJutsu Academy) ra đời với khát khao xây dựng một không gian mạng thật sự “khỏe mạnh” của Tổng Giám đốc (CEO), đồng sáng lập (Co-Founder) Nguyễn Mạnh Luật (SN 1993).
Nguyễn Mạnh Luật nổi tiếng trong giới bảo mật không chỉ bởi những thành tích đáng nể ở các cuộc thi về an toàn thông tin (ATTT) trong và ngoài nước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh còn có nhiều đóng góp cho lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam này.
Từ lúc còn là sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM, Luật đã đi làm thêm với công việc như một kỹ sư. Anh được một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam nhận vào làm. Mức lương 5 triệu đồng/tháng khi mới bắt đầu đi làm dù nhiều so với các bạn đồng trang lứa nhưng chỉ là con số rất nhỏ so với số tiền Luật được chào mời tham gia “hack”, viết “tool”, đánh thẳng vào những lỗ hổng của các trang web. “Tôi chọn bình yên chứ không đánh đổi đồng tiền để nhận lấy bất an. Hơn nữa, tôi thích tìm tòi khoa học nên đam mê nghiên cứu chứ không muốn làm hacker” – anh bày tỏ.
Năm 2017, Luật tốt nghiệp đại học và đầu quân cho Tencent – một tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Tại đây, anh làm việc ở phòng nghiên cứu chuyên sâu về ATTT, chuyên nghiên cứu về các kỹ thuật tấn công. Chỉ 2 năm sau, anh rời Tencent để sang Anh theo lời mời của hãng Microsoft. Thêm 1 năm rưỡi làm việc ở đội ứng cứu sự cố, chuyên về kỹ thuật phòng thủ của “ông lớn” công nghệ Microsoft giúp Luật vững vàng hơn, tự tin hiện thực hóa khao khát phát triển cộng đồng “bác sĩ” trên không gian mạng trong nước.
Luật nhớ lại: “Ngoài kiến thức chuyên môn, tôi tự học thêm tất cả các thứ liên quan đến tài chính, marketing, doanh nghiệp… để chuẩn bị hành trang trước khi trở về và làm mảng đào tạo. Tháng 3-2020, tôi về nước đúng lúc Việt Nam xuất hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17. Lúc đó, tôi đã nôn nao và hình dung chi tiết cho một công ty đào tạo chuyên sâu về bảo mật, ATTT, cung ứng một lực lượng chuyên gia có chuyên môn sâu, có tâm, có đức”.
CEO Nguyễn Mạnh Luật (đứng) trong một buổi đào tạo tại CyberJutsu
Mơ ước một không gian mạng “khỏe từ bên trong”
Tiếng lành đồn xa, chỉ trong hơn 2 năm, CyberJutsu Academy đã liên tục đào tạo hơn 150 chuyên gia về bảo mật, ATTT.
Theo Nguyễn Mạnh Luật, đầu vào của CyberJutsu Academy ít nhất là biết và hiểu về ngôn ngữ lập trình, có khả năng lập trình được một website cơ bản… Thời gian học khoảng 2 tháng, với 60 giờ, CyberJutsu Academy cung cấp cho học viên vốn kiến thức “thực chiến” để có thể ứng dụng ngay vào công việc của mình.
Nói về lý do chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực đào tạo ATTT, Luật cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Chuyên gia bảo mật, ATTT trở thành lực lượng quan trọng. Vì vậy, đào tạo chuyên gia bảo mật, ATTT trở thành một ngành vô cùng tiềm năng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là cách tốt nhất tạo ra cho xã hội một đội ngũ “bác sĩ” ATTT hùng mạnh, góp phần giúp không gian mạng ngày càng trong lành hơn.
“Startup trong lĩnh vực đặc thù không hẳn là không có rủi ro mà là ít rủi ro hơn so với những lĩnh vực khác. Cũng có nhiều nơi đào tạo ngành này nhưng đa phần chỉ kết nối người dạy với học viên chứ không thành học viện đào tạo chuyên sâu, bài bản như chúng tôi” – Luật tự tin.
CEO trẻ này cho rằng bảo mật, ATTT là một ngành khá khó trong các ngành liên quan công nghệ thông tin. Hơn nữa, nhân lực ATTT hiện nay thực sự hiếm, cung không đủ cầu, vì vậy mà rất tiềm năng. Chất lượng học viên của CyberJutsu được thừa nhận khi năm 2021, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành, thậm chí cả Chính phủ đặt hàng công ty này đào tạo.
“Tôi tự tin hơn khi CyberJutsu mới đây được Công ty TNHH ECQ Global (ECQ – công ty tầm cỡ thế giới về đào tạo chuyên sâu ATTT – PV) ký kết đầu tư nhằm phát triển CyberJutsu trở thành một trong những công ty hàng đầu tại khu vực ASEAN và quốc tế về đào tạo bảo mật công nghệ thông tin.
Trong đó, tập trung vào phân khúc kỹ thuật tấn công và phòng thủ, bảo mật ứng dụng trong lập trình. CyberJutsu đồng thời chịu trách nhiệm phát triển nội dung đào tạo cho sản phẩm CyberRange của ECQ. Ngoài ra, ECQ sẽ phối hợp cùng đối tác chiến lược là Công ty TNHH SkillSpar truyền tải và phân phối sản phẩm của CyberJutsu trên nền tảng SkillSpar để thúc đẩy thương mại” – Luật cho biết.
CEO Nguyễn Mạnh Luật cho rằng chuyện trắng – đen trong giới hacker ai cũng hiểu rõ nhưng đôi khi đồng tiền sẽ làm người ta mắc sai lầm. CyberJutsu khao khát đào tạo thế hệ “bác sĩ” ATTT vừa có tài vừa có tâm để giữ cho doanh nghiệp nói riêng và không gian mạng Việt Nam nói chung được “khỏe từ bên trong” chứ không phải đợi khi có sự cố rồi mới đi xử lý, khắc phục.
TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam, bày tỏ sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ trong ngành ATTT. “Tôi tin rằng các bạn trẻ rất thông minh, sáng tạo sẽ “làm nên chuyện” trong kỷ nguyên chuyển đổi số của nước ta. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, càng có nhiều “bác sĩ” bảo mật, ATTT có tâm thì không gian mạng nước nhà càng khỏe mạnh, an toàn” – TS Khang kỳ vọng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)